Người đưa tin

5 công dụng chữa bệnh không ngờ tới của chè vằng.

Chè vàng vị thuốc quý đã được dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ, với công dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Hôm nay, bài viết tổng hợp những bệnh mà Chè vằng chữa rất hiệu quả để chia sẻ cùng bạn đọc quan tâm.

Chè Vằng hay còn gọi là Cây chè Vằng, chè Cước man, Cẩm Văn, dây Vắng, mỏ sẻ, mỏ quạ, râm trắng, râm ri, lài ba gân. Tên khoa học Jasminum subtriplinerve Blume. Thuộc họ nhài Oleaceae, là một loại cây bụi nhỏ mọc hoang, có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều địa phương trên đất nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc của chè vằng là cành lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô.

Cây chè vằng vị thuốc quí chữa bệnh.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học chè Vằng có chứa terpenoit, glycosit đắng, flavonoit, nhựa và ancaloit có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm tăng nhanh tái tạo tổ chức, làm mau lành vết thương, thông huyết, điều kinh, đau bụng, hay hỗ trợ điều trị đau khớp xương, thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn, cảm hay vàng da. 

Tác dụng đặc biệt của chè vằng đối với phụ nữ sau sinh cũng đã được kiểm nghiệm. Đây là thuốc bổ đắng dùng rất tốt cho phụ nữ sinh đẻ, chè Vằng cũng có thể trị nhiễm khuẩn sau đẻ, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, bế kinh, khí hư, thấp khớp, nhức xương. Các sản phụ khi dùng chè Vằng rất lợi sữa, người chóng khỏe, các cơ bụng, cơ tử cung co lên nhanh chóng, ăn ngon miệng.

Chè vằng còn giúp điều trị hiệu quả viêm ruột, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ ăn không ngon hay cao huyết áp, thấp khớp,… Uống nước chè vằng giúp giảm mỡ bụng hiệu quả đặc biệt đối với phụ nữ sau sinh. Hiện nay, một số nam giới bị béo bụng cũng đã áp dụng cách làm này và cho những tác dụng hiệu quả ban đầu.

Theo Đông y: Chè vằng có vị hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết, tiêu viêm.

5 công dụng không ngờ tới của chè vằng.

1. Dùng cho phụ nữ sau khi sinh.

Phụ nữ nông thôn sau khi đẻ thường lấy cành lá chè vằng phơi khô, nấu nước uống hằng ngày cho khỏe, chóng lại sức, chống thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn. Có thể dùng dạng thuốc hãm hay thuốc sắc với liều lượng mỗi ngày là 20 – 30g.

2. Điều trị hiệu quả áp-xe vú.

Chè vằng có tác dụng kháng khuẩn mạnh: dùng lá chè vằng để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm ít cồn 50 độ, cho xâm xấp, rồi đắp. Ngày làm 3 lần.

3. Điều trị hiệu quả kinh nguyệt không đều.

Chè vằng 20g, ích mẫu 16g, hy thiêm 16g, ngải cứu 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

4. Điều trị hiệu quả đau bụng kinh, bế kinh.

Cành lá chè vằng cắt nhỏ, phơi khô, 1kg nấu với 3 lít nước trong 3 – 4 giờ, rút nước đầu, nấu lại với 2 lít nước trong 2 giờ rồi trộn hai nước lại, cô thành cao mềm. Mỗi ngày uống 1 – 2g với nước ấm.

5. Điều trị hiệu quả bệnh răng miệng.

Dùng lá chè vằng tươi rửa sạch, cho bệnh nhân nhai ngậm để điều trị hiệu quả bệnh nha chu viêm. Ngoài ra, chè vằng được đun lấy nước rửa vết thương.

Dùng phối hợp:

Điều trị hiệu quả đau gan, vàng da: chè vằng 20g, ngấy hương 20g thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày. Hoặc chè vằng 20g; nhân trần 20g; chi tử; lá mua; vỏ núc nắc, rau má, lá bồ cu vẽ, vỏ cây đại mỗi thứ 12g; thanh bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trên đây là một số tác dụng điều trị hiệu quả bệnh từ cây chè vằng mà các bạn có thể tham khảo. Tuy chè vằng có độ độc thấp, tuy nhiên các bạn vẫn phải lưu ý khi sử dụng, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tránh những hậu quả không mong muốn.